Tại sao bạn nên học tiếng Trung

Để quý bạn đọc cũng như học viên thuộc gia sư tiếng Trung Hà Nội đánh giá được phần nào sự quan trọng của tiếng Trung trong thời đại hiện nay hôm nay đội ngũ gia sư tiếng Trung xin chia sẻ bài viết "Tại sao bạn nên học tiếng Trung"? mời quý bạn đọc và học viên tham khảo.
Với Việt Nam, Trung Quốc là nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, có nhiều mối quan hệ mật thiết, đã nhiều lần tìm hiểu mà vẫn chưa hiểu rõ. Trong những bài viết của chuyên đề Fnet-China Revisit chúng ta sẽ làm chuyến viếng thăm lại và tiếp tục khám phá, giải mã những bất ngờ thú vị về đất nước láng giềng “nhiều duyên nợ” này.
Ngày nay cánh cửa hội nhập và phát triển đã mở ra cho cả đất nước. Là những đại diện của thế hệ 8X, 9X đầy năng động, những người chủ tương lai của đất nước, giới trẻ hiện nay ngày càng coi trọng việc học ngoại ngữ, công cụ, phương tiện của cuộc sống hiện đại. Giờ đây với họ chỉ mình tiếng Anh- thứ ngôn ngữ “international language” là chưa đủ. Đi kèm với tiếng Anh có tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha… Trong đó phong trào học tiếng Trung đang nổi lên như một xu hướng mới. “Trung Quốc là người khổng lồ đang trỗi dậy. Sự phát triển thần kì của nó đã khiến nhiều cường quốc phải kinh ngạc. Biết tiếng Trung trong tương lai nhất định sẽ đem lại nhiều cơ hội.Vậy mình không học tiếng Trung thì còn học tiếng gì nữa?” bạn N.M.T – trường ĐH Quốc Gia Hà Nội nói.
Trong bối cảnh hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đã bắt đầu đảm nhận một vị thế mới trên thế giới. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2007, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu lôi kéo các nền kinh tế Châu Á.Bản báo cáo của IMF được công bố ngày 11/4 đã chỉ ra nhờ có sự phát triển kinh tế của hai nước này, các nước khác tại châu Á sẽ tiếp tục có nhịp độ tăng trưởng cao trong năm 2007 và ít chịu tác động do nhịp độ tăng trưởng có phần chậm lại của nền kinh tế Mỹ.
Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế đứng hàng thứ 4 trên thế giới vẫn đang nóng lên từng ngày với khoảng 10%/năm. Nhiều nước trong khu vực dường như ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Nhiều người cho rằng biết tiếng Trung, họ sẽ dễ dàng tìm được một công việc “béo bở” khi không lâu nữa Trung Quốc có thể trở thành siêu cường số 1 thế giới. Đối với đa số các sinh viên, động cơ học tiếng Trung trước hết đều mang tính kinh tế. Họ tin rằng giỏi tiếng Trung sẽ giúp họ có lợi thế trên thị trường lao động. Theo bà Mavis Li, thuộc một trường tư chuyên dạy tiếng Quan Thoại: “Trung Quốc là một thị trường lớn, người ngoại quốc tới đây để làm ăn và họ phải biết tiếng Trung để phục vụ cho công việc. Hiện nay, ngày càng có nhiều người quan tâm đến Trung Quốc – một đất nước vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa tuyệt diệu vừa bí ẩn, họ tin rằng có thể có một cuộc thám hiểm tuyệt vời ở đây”.
Trường đại học Quốc Gia Seoul danh tiếng vừa thông báo tiếng Trung đã thay thế tiếng Anh trở thành môn học được nhiều sinh viên ngành ngôn ngữ lựa chọn nhất. Các công ty điện tử lớn của nước này bắt đầu mở các lớp tiếng Trung miễn phí cho nhân viên, với hi vọng mở rộng hoạt động sang Trung Quốc. Chae – một sinh viên Hàn Quốc nói: “Khi nước Mỹ là lãnh đạo thế giới, tất cả chúng tôi đều học tiếng Anh. Giờ đây Trung Quốc đang vươn lên hàng đầu, sự ưu tiên lại ngả sang tiếng Trung”.
Hiện nay trên thế giới có trên 30 triệu người học tiếng Trung. Và theo dự đoán, chỉ trong vòng 5 năm tới, con số này sẽ lên tới 100 triệu. Hiện “cơn sốt” học tiếng Trung vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Theo thống kê, có 330 trường đại học ở Trung Quốc đã đưa vào chương trình dạy tiếng Trung cho người nước ngoài. Các khóa học tiếng Trung cũng được đưa vào giảng dạy tại 2.300 trường đại học của hơn 100 quốc gia. Không những thế, tiếng Trung còn được dạy tại các trường tiểu học và trung học ở Mỹ, Anh, Nhật… Ước tính ở Mỹ có hơn 500 trường trung học đã đưa các khóa học ngôn ngữ và văn hóa tiếng Trung vào giảng dạy. Thế giới đã như vậy còn ở trong nước thì sao? Phong trào học tiếng Trung cũng diễn ra sôi nổi không kém. Nếu bạn đặt chân vào hầu hết các phòng trong KTX SV của trường đại học KHXH&NV, bạn sẽ tìm thấy ít nhất một quyến sách hướng dẫn cách học tiếng Trung trên các giá sách. Những sinh viên học tiếng Trung không chỉ tập trung vào những ngành như Hán Nôm, văn, ngôn ngữ, báo chí… mà thậm chí cả những sinh viên của khối ngành kinh tế. Bởi lẽ Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với hơn 1,3 tỉ dân và là một trong những đối tác tiềm năng của Việt Nam. Nhiều công ty của Việt Nam có bạn hàng là người Trung Quốc. Và nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Theo phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VIIC, tính đến hết tháng 3/2007, Trung Quốc có 434 dự án đầu tư vào VN, với tổng vốn đăng ký 1,18 tỷ USD, đứng thứ 14 trong các quốc gia đầu tư vào VN. Trong đó, dự án đầu tư hạ tầng khu chế xuất Linh Trung với tổng vốn 55,5 triệu USD (hơn 2% tổng kim ngạch XK của cả nước) và tạo 10% cơ hội việc làm từ khu vực đầu tư nước ngoài. Có thể hiện nay lượng đầu tư của Trung Quốc vào nước ta chưa thực sự nhiều nhưng lại đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn. Khi tuyển người, từ nhân viên kế toán đến nhân viên bán hàng thì ngoài yêu cầu chung về nghiệp vụ, có chứng chỉ tiếng Anh thì vốn ngoại ngữ tiếng Trung luôn được ưu tiên. Ngoài ra, như đã nói ở trên, nhu cầu của các nước phương Tây về giao lưu, hợp tác với Trung Quốc ngày càng phát triển đã khiến sự lựa chọn “nơi làm việc” trở nên rất đa dạng.T.D- trường ĐHNT tâm sự: “Mình có một người chú ở Ba Lan , khi biết mình học tiếng Trung, chú rất vui và nói rằng: Khi nào cháu tốt nghiệp chú sẽ không để cháu ở Việt Nam, cũng không đưa cháu sang Trung Quốc mà cháu sẽ đến Balan. Ở đây sẽ có rất nhiều cơ hội cho cháu phát triển”
Hiểu và nắm bắt được nhu cầu này của các nhà tuyển dụng, nhiều sinh viên kinh tế đã tranh thủ thời gian ngồi trên ghế nhà trường để trang bị cho mình tiếng Trung với hi vọng sẽ có được một công việc “well-paid job” sau này. Trả lời câu hỏi: “ Tại sao lại học tiếng Trung mà không phải một thứ tiếng khác?”, bạn N.M.T – trường ĐH Quốc Gia Hà Nội nói: “Trung Quốc là người khổng lồ đang trỗi dậy. Sự phát triển thần kì của nó đã khiến nhiều cường quốc phải kinh ngạc. Biết tiếng Trung trong tương lai nhất định sẽ đem lại nhiều cơ hội.Vậy mình không học tiếng Trung thì còn học tiếng gì nữa”
Thêm vào đó, người Việt Nam học tiếng Trung còn có một lợi thế hơn hẳn các ngôn ngữ khác. Trung Quốc ở gần Việt Nam, là một nước láng giềng lâu năm và đầy “duyên nợ” với Việt Nam. Những nét văn hóa, chính trị, truyền thống… thậm chí cả cách cảm, cách nghĩ của người Trung Quốc và người Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng. văn hóa Trung Hoa thực sự là một nền văn hóa lớn, với sức hút kì lạ. Nó du nhập vào Việt Nam qua những con đường lịch sử, phim ảnh, âm nhạc, du lịch…và đã được không ít người yêu thích. Về mặt ngôn ngữ, tiếng Việt cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Trung với số lượng từ Hán-Việt không phải là nhỏ. Đó là lí do, khi bạn tiếp cận với tiếng Trung, khi nói chuyện với người Trung Quốc, bạn cảm thấy dễ dàng và gần gũi hơn so với nhiều ngôn ngữ khác. Học tiếng Trung, khám phá nền văn hóa Trung Quốc, tiếp cận với những con chữ tượng hình đầy ý nghĩa, như múa như bay trong tâm trí chúng ta thật sự mang lại nhiều nét thú vị.

 
Scroll to top